Săn kiến ở rừng sâu Cuối tháng 7, mưa xối xả khiến những khu rừng phía tây tỉnh Quảng Trị thêm ẩm ướt, tạo điều kiện cho các đoàn kiến sinh sản thi nhau dựng tổ. Thời điểm này cũng là lúc người dân vào rừng “săn kiến” làm món ăn hằng ngày. Chúng tôi đến xã Hướng Lập, nơi có rất nhiều loài kiến đen, kiến lửa sinh sống. Vừa dẫn đường, anh Hồ Văn Hoàn (36 tuổi) người bản Cu Vơ vừa kể: “Khi tìm được những tổ kiến loại to cỡ như mũ cối, người đánh trứng thường đem về nhà hoặc dùng rựa xẻ nhỏ tổ kiến ra ngay tại rừng, rồi nhanh tay đổ vào sàng để lọc lấy những con kiến già và những trứng mọng sữa vào thúng. Sau đó đổ ra nia để sẩy bụi bám và lá cây cùng những kiến con, mà chỉ để lại trứng”. Những câu chuyện đường rừng khá xăm khiến chúng tôi bị suýt vào rừng sâu và bắt gặp nhiều tổ kiến.Thấy một tổ kiến lửa khá to trên một nhánh cây của thân cây dẻ khá lớn, Hoàn chuẩn bị đồ nghề hì hục rồi bảo: “Các chú thấy rứa chớ bắt kiến hiểm lắm... Làm nghề này phải không sợ độ cao và nhất là khả năng chịu đau...”. Anh trèo lên cây nhanh như vượn, chừng vài phút thì một tổ kiến đã được gói gém cẩn thận bỏ vào bao của anh.
Việc săn kiến nghe qua thì thấy đơn giản nhưng không phải ai cũng có thể làm được, vì mỗi công đoạn là cả một kỹ năng đã được hun đúc qua bao đời nay. Ngoài việc phải trèo cây để chặt lấy tổ kiến thì khi sàng sảy cũng phải nhanh tay và khéo léo để tách trứng và kiến con, tránh trứng bị dập nát và kiến con tha mất trứng. Trứng kiến có màu trắng đục, kích cỡ như hạt gạo tấm, hoặc có khi to như hạt gạo nguyên. Sau khi tách trứng ra khỏi kiến con thì tiếp kiến nhặt lại thật sạch tạp chất để mang về chế biến canh chua, bún chua. Chìa cánh tay chi chít vết cắn của kiến anh Hoàn bảo: “Chú thấy đó, kiến này là loại to cắn vết này chảy máu vết ấy. Khi leo tít lên ngọn cây nếu không có sức chịu đựng thì ngã là cái chắc. Nhiều người phải mang thương tật suốt đời từ cái nghề tưởng chừng đơn giản này đó”. Mục sở thị “ đặc sản kiến” Rời xã “thủ phủ” loài kiến Hướng Lập khi ánh nắng đã đổ dài trên đèo sa Mù, chúng tôi lại tìm đến xã Hướng Tân để xem bà con nơi đây “đánh” kiến và chế biến món ăn dân dã này. Chị Hồ Thị Thuyết ở thôn Bản Ruộng bảo rằng, trứng kiến sau khi đã đãi sạch thì bà con thường đem về nấu với dưa chua như dưa cải, hay một số lá giấm khác. Nhưng thống nhất, ngon nhất thì trứng kiến phải nấu với lá bún chua (tiếng địa phương gọi là “pún”). Theo tìm hiểu của chúng tôi, bún là loại cây hoang dại chỉ mọc ở các bờ suối, có thân gỗ, lá hình đối xứng. Loài cây này cũng chỉ ra lá non vào khoảng từ tháng 2 đến tháng 3 âm lịch. Vào rừng tìm được cây lá bún, người đàn bà khéo léo# chọn những đọt (ngọn) còn non, dùng móng tay bấm nghe mềm là vừa dùng. Đem lá bún về nhà thái sợi mịn rồi bỏ vào chum sành, thêm ít muối hạt, đường mơ, đổ thêm nước ấm khoảng 150C vào và đậy kín lại, sau đó đặt cạnh bếp lửa chừng 3 ngày là lấy ra dùng được. Khi chum lá bún vần quanh bếp đã chuyển từ màu xanh sang màu vàng mơ và dậy mùi thơm, người dân mới bắt đầu đi đánh trứng kiến ở những tổ đã được đánh dấu từ trước.
Để có nồi canh trứng kiến nấu bún giòn ngon, bà con dân bản không dùng dầu mỡ như ở dưới xuôi mà chỉ sử dụng những gia vị truyền thống dễ kiếm tìm được truyền dạy từ đời này sang đời khác. Với vị béo ngậy của trứng kiến, vị chua thanh của bún tạo nên một món canh chua rất hấp dẫn với người dân sau những giờ cần lao nhọc. Ăn trứng kiến phải thật thong thả, thung dung. Người ăn cứ nhâm nhi nó từng chút một mới thấm tháp cái ngon, cái hồn của hương vị quê nhà như đọng cả vào đây. Ngày nay, món trứng kiến nấu lá bún không chỉ là món ăn thông thường của người Hướng Hóa mà còn trở thành đặc sản giữ chân du khách thập phương vào các dịp lễ hội. Các vị cao niên kể lại rằng, hằng năm vào khoảng cuối tháng 2 đến hết tháng 3 âm lịch, người dân Hướng Hóa khi đi hái củi hay kiếm tìm những sản vật của rừng đều để ý dò xem khu vực đó có bao nhiêu... Tổ kiến. Và để không mất công lội rừng khó nhọc, nhà nào cũng chuẩn bị cho mình một đôi thúng, một cái sàng và một cái nia để đi đánh trứng kiến về nấu “pún”, canh tòn mòn... Loài kiến có mặt khắp mọi nơi, con vật bé xíu nhưng lại có thành phần dinh dưỡng cao, ngoại giả nó còn có nhiều sinh tố và khoáng chất. Thời phong kiến, người ta dùng kiến để bào chế thành những viên thuốc tráng lực như thuốc bổ bây chừ. Cụ Hồ Xay (78 tuổi) là bậc cao niên ở xã Hướng Lập tâm tình, không biết tự khi nào những người dân Hướng Hóa từ thuở ấu thơ đến khi già như cổ thụ trong rừng đều được thưởng thức những món ăn chế biến từ kiến. Bởi thế bà con nơi đây không ai phá tổ kiến bao giờ, và nhận biết những loài kiến bổ ích, cũng như thời khắc “săn” hiệu quả nhất. Theo kinh nghiệm của người dân thì khi kiến chúa tách dần đàn đi gầy tổ mới, đến lúc đẻ trứng thì cũng là khi người dân Hướng Hóa vào mùa khai phá trứng kiến. Rời Hướng Hóa về xuôi. Chúng tôi mang theo những ký ức tốt đẹp về phong cách sống của những con người nơi rẻo cao. Cùng với đó là những điều kỳ thú từ cuộc sống núi rừng, lối sống hòa hợp với thiên nhiên. Bùi Đức Tú |